“Bà mụ” 8X: “Phụ nữ thành đạt đến đâu vẫn luôn là phái yếu”
“Bà mụ” 8X Trần Thanh Ngọc, chủ công ty dịch vụ chăm sóc sức khỏe và làm đẹp cho phụ nữ sau sinh đầu tiên tại Việt Nam, là gương mặt quen thuộc với nhiều sản phụ Hà Nội.
Ít ai biết được rằng, trước khi trở thành “bà mụ” chuyên chăm sóc sức khỏe và làm đẹp cho sản phụ, Trần Thanh Ngọc từng là một “phượt thủ” đam mê du lịch khám phá. Cô kể, thời sinh viên cô và vài người bạn thân “máu” phượt đến mức, hễ thích là xách ba lô và đi, khi thì Hà Giang, lúc lại Mộc Châu, Lào Cai, Hài Phòng… có khi trong túi chỉ vỏn vẹn vài trăm nghìn. Những cung đường phượt mang tới nhiều cảm xúc lạ, vui buồn lẫn lộn nhưng quan trọng hơn cả, đi du lịch kiểu “đói rách” đã đem lại cho Ngọc những trải nghiệm quý giá. Cô cũng sưu tập được nhiều bài thuốc chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp của người dân các địa phương.
Chỉ với những bài thuốc có nguồn gốc thiên nhiên và bàn tay của các hộ lý, sản phụ có thể lấy lại vóc dáng, sự tự tin và thư giãn trong tâm hồn.
Đó cũng là chuyến đi quyết định sự chuyển hướng sự nghiệp của người phụ nữ mảnh mai này. Nhân đang công tác ở Huế, Ngọc đến thăm gia đình một người bác ở Đại nội. Chị dâu Ngọc khi đó vừa sinh con, đang trong thời kỳ ở cữ. Nhìn thấy chị bị nám, đầu bù tóc rối, cô bị sốc và “rắp tâm” mở dịch vụ gội đầu khô cho sản phụ, nhưng công việc bộn bề, ý tưởng nảy ra rồi cũng để đó. Hai tuần sau trở lại thăm chị, Ngọc lại … sốc lần nữa khi thấy chị như trở thành người khác, da trắng mịn, cơ thể gọn gàng. Hóa ra, chị đã được bà Tôn Nữ Thị Tâm – một trong những bà mụ nổi tiếng nhất xứ Huế chăm sóc. Mê mệt những bí quyết dân gian của bà mụ Tâm, Ngọc xin bà truyền nghề chăm sóc sản phụ.
“Bà mụ” Trần Thanh Ngọc: “Kinh doanh dịch vụ chăm sóc sau sinh cũng là một cuộc phiêu lưu”
“Phụ nữ thành đạt đến đâu vẫn luôn là phái yếu”
“Vừa sinh con là giai đoạn nhạy cảm nhất của người phụ nữ, không chỉ về cơ thể mà còn về tâm lý. Đó là giai đoạn người phụ nữ cần được chăm sóc và chia sẻ hơn cả. Mọi người có thói quen chú ý chăm sóc em bé nhiều hơn, đôi khi sẽ khiến người mẹ cảm thấy bị bỏ rơi. Nếu người mẹ mệt mỏi, họ không thể chăm con tốt được. Hơn thế, việc thay đổi vóc dáng cũng khiến người phụ nữ kém tự tin hơn khi trở lại với công việc.” – Ngọc cho hay.
Khi trở thành sản phụ, bản thân “bà mụ” cũng phải đối mặt với nguy cơ trầm cảm.
Lắng nghe hàng trăm câu chuyện của các sản phụ, làm việc và trải nghiệm cuộc sống hôn nhân, Ngọc khẳng định: “Với tôi, phụ nữ luôn là phái yếu. Tất cả mọi dự tính, mọi mơ mộng của phụ nữ về chồng, về gia đình của mình sẽ vỡ òa. Mọi thứ sẽ tự đi vào quỹ đạo theo cách riêng của nó. Mọi người phụ nữ, dù có kiếm được nhiều tiền, dù có thành đạt, về đến nhà vẫn có chút gì đó yếu thế hơn. Tôi rất thương những người phụ nữ quá phụ thuộc, nhưng cũng không ủng hộ phụ nữ “cứng” quá. Đàn ông cứng thì phụ nữ phải mềm…”
Cô chia sẻ, mình đã vượt qua tất cả áp lực bởi hai niềm đam mê: gia đình và công việc.
Đầy tự hào, Ngọc tâm sự: “Công việc của tôi rất nhiều áp lực, nhưng nhìn chung, mọi thứ đến nhanh và tương đối thuận lợi cũng là nhờ ông xã. Lúc đầu, bố mẹ tôi không hào hứng lắm với cô con gái “ương bướng” muốn bỏ việc để chạy theo việc kinh doanh dịch vụ mà chắc chắn là vất vả. Hồi mới mở công ty, lúc nào tôi cũng tong tưởi. Trong vòng vài tháng vừa trực tiếp đến nhà khách, vừa đào tạo nhân viên, tôi sút 6 kg. Đã vậy, khi chuẩn bị cưới thì 3 nhân viên nghỉ làm, một mình tôi chạy 5 ca một ngày. May mà có chồng chở tôi đi khắp nơi giữa trời nắng. Đến giờ cũng vậy, anh hỗ trợ tôi rất nhiều trong công việc, nhất là khâu quản lý nhân sự. Có vậy, tôi mới có thể làm việc với niềm đam mê tuyệt đối, giúp đem lại sự tự tin và niểm vui cho những phụ nữ vừa sinh em bé.”