Chăm sóc sức khỏe sau sinh – những vấn đề không thể bỏ qua

Sau quá trình sinh nở, nhất là với các mẹ mới sinh con đầu sẽ có nhiều băn khoăn, thắc mắc và khó khăn không biết chia sẻ cùng ai. Đôi khi những lo lắng này lại không được giải đáp chính xác. Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn những vấn đề chăm sóc sức khỏe cho chị em sau khi sinh.

 

Sau khi sinh, cơ thể người mẹ có nhiều thay đổi. Việc chăm sóc sức khỏe sau sinh cho người mẹ rất quan trọng, bởi thời gian này cơ thể còn yếu, nếu không chăm sóc đúng cách sẽ gây ra những hậu quả về sức khỏe và sắc đẹp. Hơn nữa nếu mẹ không biết, hiểu để chăm sóc sức khỏe cho bản thân thì cũng không đủ khả năng chăm sóc sức khỏe cho con mình. Vì vậy, vấn đề chăm sóc sức khỏe sau sinh cần có sự quan tâm đúng đắn của các mẹ để đảm bảo sức khỏe, tâm lý cho cả mẹ và sức khỏe cho con.

 

PV PetroTimes đã có cuộc trao đổi với chị Trần Thanh Ngọc, Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sau sinh Việt Care để hiểu rõ hơn về những kinh nghiệm chăm sóc mẹ sau sinh.

 

Chị Trần Thanh Ngọc, giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sau sinh Việt Care

 

Những hiện tượng nguy hiểm sau sinh cần biết

 

Sót nhau: Theo chị Ngọc, có nhiều dấu hiệu nhận biết sản phụ bị sót nhau. Trước hết là hiện tượng ra máu bất thường. Bình thường, sau sinh sản phụ có thể bị ra dịch, máu kéo dài tới cả tháng. Nhưng nếu thấy dịch ra quá nhiều, có màu đen, mùi hôi khó chịu, đau bụng âm ỉ hoặc liên tục ở bụng dưới, kèm theo biểu hiện sốt… thì có thể đó là triệu chứng của sót nhau thai. Để chẩn đoán chính xác, khi thấy các biểu hiện trên, chị em cần đi khám, siêu âm ngay.

 

Sản dịch: Ra sản dịch là điều hoàn toàn bình thường ở phụ nữ sau sinh kể cả đẻ mổ và sinh thường. Thông thường trong vòng 20 ngày thì sản dịch sẽ ra hết. Tuy nhiên, một số ít sản phụ bị kéo dài đến 45 ngày. Sau thời gian này, trong vòng 1 tuần, chị em có thể thấy ra một ít máu đỏ tươi. Đó là kinh non – một hiện tượng sinh lý bình thường do niêm mạc tử cung được phục hồi sớm.

 

Còn nếu sau 6 tuần, sản phụ vẫn thấy dấu hiệu ra sản dịch có máu kèm mùi hôi, sốt 38-39 độ, bụng dưới căng tức, đau tràn thì nhiều khả năng chị em đã bị bế sản dịch (sản dịch vẫn còn trong tử cung). Bạn nên đi siêu âm để bác sĩ chẩn đoán và điều trị. Nếu đúng bị bế sản dịch, bác sĩ sẽ kê thuốc để kích thích co bóp tử cung, đẩy hết sản dịch ra ngoài và kiểm tra, điều trị cả phụ khoa.

 

Thoái hóa khớp: Sau khi sinh, khí huyết bị suy nhược khiến cho việc lưu thông máu kém. Điều đó dẫn đến việc các mẹ thường bị thoái hóa khớp cổ tay, chân và cơ xương chậu. Ngoài ra, cơ thể các bà mẹ thiếu vitamin B12 cũng sẽ dẫn đến sự cản trở dây thần kinh ngoại vi gây ra tê, đau khớp. Các bà mẹ này nên kịp thời bổ sung vitamin B12. Theo Đông y, các bà mẹ sau khi sinh bị đau khớp là do khí huyết suy nhược, và gió lạnh xâm nhập vào cơ thể, gây tổn hại dây thần kinh cánh tay hay còn được gọi là hiện tượng xơ cứng. Vì thế, các bà mẹ nên nghỉ ngơi nhiều sau sinh, không được hoạt động quá nhiều đặc biệt là những công việc nặng nhọc.

 

Chăm sóc bầu ngực

 

Là bộ phận nhạy cảm nhất của cơ thể, nên cho dù mẹ có cho bé bú hay không, đôi gò bồng đảo vẫn cần nhận được sự chăm sóc đặc biệt ngay sau khi vượt cạn.

 

 

 

Tắc tia sữa là một trong những vấn đề các mẹ cần lưu tâm, nhất là đối với những mẹ có nhiều sữa, nếu không được chữa trị kịp thời có thể khiến mẹ bị áp-xe vú vô cùng nguy hiểm. Nếu bị tắc tia sữa bạn nên chườm nóng quanh bầu ngực rồi nặn bóp cho sữa đông tan ra, hoặc bạn có thể dùng máy hút sữa kết hợp nặn bóp những phần sữa đông thành cục dưới da cho mềm tan ra, bên cạnh đó bạn có thể tham khảo những bài thuốc dân gian chữa tắc tia sữa.

 

Bạn cần lưu ý, trước và sau mỗi lần cho con bú, cần sử dụng nước ấm cùng khăn mềm để lau rửa đầu vú và xung quanh bầu vú thật sạch sẽ, khô thoáng. Không nên cho con vừa ngủ vừa ngậm vú. Bạn nên chú ý cách cho trẻ bú để không bị nứt núm vú (hay còn gọi là nứt cổ gà) gây đau đớn.

 

Chế độ ăn uống

 

Thời kỳ hậu sản và cho con bú các bà mẹ tuyệt đối không nên ăn uống kiêng khem quá mức vì lúc này người mẹ cần hồi phục năng lượng cho mình đồng thời chuẩn bị nguồn năng lượng tạo sữa cho nuôi con.

Tăng cường ăn nhiều rau xanh hoa quả, thực phẩm giàu protein như thịt, pho mát, thực phẩm dạng bột, tăng cường thực phẩm giàu chất xơ để chống táo bón, uống nhiều nước để tăng cường sữa. Tuy nhiên, cần tránh những thực phẩm như ngao, sò, ốc, hến, bí đao, dưa leo, khổ qua, dưa hấu, nước dừa… vì dễ sinh lạnh bụng, đầy hơi, khó tiêu.

Để có đủ sữa cho con, ngoài việc tích cực cho bú, bạn cũng nên uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, ngoài nước lọc có thể uống sữa tươi, nước trái cây tươi, sữa đậu nành…

 

Chị Trần Thanh Ngọc đang đứng lớp dành cho các sản phụ

 

Vệ sinh thân thể

 

Quan niệm không được tắm hay đánh răng sau khi sinh của ông bà thời xưa là một quan điểm hoàn toàn sai lầm và phản khoa học.

Theo chị Ngọc, sản phụ có thể tắm gội toàn thân 3-4 ngày sau sinh. Sau sinh cơ thể người mẹ rất yếu và dễ bị nhiễm lạnh, vì vậy việc tắm rửa sau sinh cần phải giúp cho máu huyết lưu thông và làm ấm cơ thể. Khi tắm, nên tắm nhanh trong khoảng 5 phút, không nên tắm trong bồn hay trong chậu, đặc biệt là không được ngâm mình trong nước. Phòng tắm phải kín gió và nên tắm bằng nước ấm dù ngoài trời nóng hay lạnh. Tắm xong phải lau khô người thật nhanh và mặc quần áo kín cổ, tay chân. Với các sản phụ đẻ mổ hay cắt tầng sinh môn, nên thận trọng với vết thương để tránh bung tuột mối chỉ.

Cũng từ 3-4 ngày sau sinh, sản phụ có thể gội đầu nhưng nên gội nhanh và lau đầu cho nhanh khô, tốt nhất là dùng máy sấy khô tóc. Răng miệng nên chăm sóc cẩn thận bằng nước muối sinh lý và cần đảm bảo tất cả đều sử dụng nước ấm, tránh sờ và dùng nước lạnh. Sản phụ thời gian này nên dùng rượu gừng lau toàn thân để làm ấm cơ thể.

 

Chăm sóc vùng kín

 

Trong dân gian, có lưu truyền nhiều loại lá thuốc, thảo dược giúp người phụ nữ sau sinh xông hơi phục hồi sức khỏe. Nên tập trung xông trong khoảng thời gian 7-20 ngày sau sinh. Tuyệt đối phải giữ vệ sinh, không nên thụt rửa hay ngâm nước khiến vùng kín dễ bị viêm.

 

 

 

Bên cạnh đó, chị Ngọc khuyên mọi người nên tập phương pháp Kelgel để vùng kín co vào nhanh hơn và phần hông được khỏe hơn.

 

Trầm cảm

 

Theo chị Ngọc, những căng thẳng, lo lắng rất dễ rất tới bị trầm cảm sau sinh. Có thể là do sản phụ không có sữa cho con bú, lo lắng chuyện gia đình hoặc bất đồng về việc chăm con với gia đình. Còn có những khách hàng đến với chị trong trạng thái lo lắng, mất ngủ, cảm thấy mình xấu xí và mất tự tin trước chồng. Nhiều suy nghĩ chồng chéo dẫn đến việc căng thẳng kéo dài không được giải tỏa.

 

 

 

Nếu thấy sản phụ u buồn, gia đình cần để ý chia sẻ, tâm sự, tránh việc quá để tâm đến bé mà quên mất người phụ nữ khiến họ tủi thân. Đặc biệt, người chồng nên tâm lý, chia sẻ với vợ, quan tâm vợ nhiều hơn. Từ đó khiến cho sản phụ cảm thấy tinh thần nhẹ nhõm, có được sự thấu hiểu, chia sẻ.

 

Còn nếu bệnh nặng hơn, cần đến gặp bác sỹ tư vấn tâm lý và sử dụng thuốc. Bên cạnh việc dùng thuốc thì điều quan trọng là phải duy trì chế độ dinh dưỡng tốt, vitamin B6 hoặc vitamin tổng hợp nên được dùng.

 

Tình dục sau sinh

 

Vấn đề tình dục sau khi sinh được coi là tế nhị, nhất là những người làm mẹ lần đầu. Lý do đơn giản là sợ đau khi vùng kín vừa phải chịu những tổn thương lớn (đẻ thường), còn đẻ mổ vẫn sợ ảnh hưởng tới vết mổ.

Nhiều người thường cho rằng phải kiêng cữ 3 tháng 10 ngày, tuy nhiên yếu tố này không bắt buộc. Sau sinh 6 tuần, các mẹ nên đi kiểm tra sức khỏe toàn diện. Nếu cơ quan sinh dục đã phục hồi lại trạng thái ban đầu đồng thời cũng cảm thấy mình đã sẵn sàng thì có thể quan hệ tình dục nhưng nên chý ý nhẹ nhàng.

Tuy nhiên về vấn đề tâm lý, sau khi sinh thân hình chị em thường không được thon gọn như thời con gái nên việc quan hệ tình dục trở lại cũng khiến chị em e ngại, thiếu tự ti. Lúc này rất cần sự động viên, chia sẻ của người chồng để chị em không bị ảnh hưởng tâm lý.

 (Nguồn Theo petrotimes.vn)

 

Mọi chi tiết xin liên hệ qua Công ty TNHH chăm sóc gia đình Triều Gia

Chi nhánh 1: Số 2 Ngõ 73 Hoàng Cầu, Q Đống Đa, HN

Chi nhánh 2: Số 57 Vũ Ngọc Phan, Q Đống Đa, HN

Cơ sở 3: Số 06 Trương Hán Siêu, Q Hoàn Kiếm, HN

Hotline: 04 445 1 1111